Nuôi Hàu: Một Vốn Bốn Lời

Lãi cao, rủi ro thấp
Mô hình nuôi con hàu - con hào Thái Bình Dương được triển khai tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) do hộ ông Văn Công Thanh thực hiện vào tháng 4/2013.
Với qui mô trên 50m2 lồng nuôi, ông Thanh thả 12.500 con giống (hàu bám đơn), trọng lượng bình quân 95 con/kg, mật độ 250 con/m2. Hàu được nuôi trong lồng tre đặt dưới chân cầu Thạnh Đức. Nơi đây kín gió, độ mặn cao, nguồn nước lên xuống thường xuyên, ổn định quanh năm, tàu thuyền ít qua lại, độ sâu hơn 4m.

Ông Văn Công Thanh cho biết: Ưu điểm của nuôi hàu là không phải cho ăn như tôm cá. Thức ăn có sẵn trong nước như rong, tảo, mùn bã hữu cơ... Trong tháng đầu thả nuôi, hàu phát triển rất nhanh, trọng lượng bình quân đạt 40 con/kg. Sau 6 tháng thả nuôi, hàu phát triển mạnh, có khả năng thích nghi và phát triển tốt tại vùng biển Phổ Thạnh. Kết quả, tỷ lệ sống đạt trên 65%, trọng lượng bình quân 12 con/kg, sản lượng 677kg, với giá bán hiện nay 32.000 đồng/kg, lãi trên 7 triệu đồng. Như vậy, nếu nuôi 1 ha sẽ lãi 1,4 tỷ đồng. Theo ông Thanh, nuôi hàu Thái Bình Dương dễ, chỉ tốn công làm vệ sinh. Nếu làm tốt khâu này, hàu sẽ lớn nhanh.



Từ kinh nghiệm nuôi, ông Thanh cho rằng, việc nuôi hàu cần phải căn cứ theo mùa để chọn phương pháp nuôi phù hợp. Nếu nuôi trong mùa lũ, tỷ lệ sống của hình thức nuôi đáy sẽ cao hơn nuôi nổi. Ngược lại, vào mùa khô, hàu được nuôi nổi phát triển tốt hơn nuôi đáy. Ngoài ra, hàu nuôi trong mùa khô có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn nhiều so với mùa lũ.

Hướng nuôi triển vọng
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi (129 km chiều dài bờ biển và diện tích nước lợ vùng cửa sông khá lớn), nghề nuôi hàu Thái Bình Dương sẽ là hướng nuôi nhiều triển vọng của tỉnh này. Mô hình này có khả năng nhân rộng, do mức đầu tư thấp, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Tuy nhiên, cái khó của người dân là chưa nắm được kỹ thuật nuôi cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhân rộng mô hình nuôi hàu đơn, lãnh đạo xã Phổ Thạnh sẽ khảo sát và quy hoạch vùng nuôi phù hợp, đồng thời khảo sát thị trường để mô hình phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thành Lưu, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết, những năm tới đây, Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ sẽ cử cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình nuôi và hướng dẫn kỹ thuật để nhân rộng mô hình này ra toàn xã Phổ Thạnh và huyện Đức Phổ.



Nuôi hàu: Ít rủi ro, thu nhập ổn định
Nghề nuôi hàu đã xuất hiện từ lâu ở các vùng biển TX Sông Cầu và huyện Tuy An, nhưng do lợi nhuận thấp hơn so với nuôi tôm nên ít được người dân chú ý đến. Việc học hỏi kinh nghiệm và phát triển đối tượng nuôi này còn mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Người dân chủ yếu thả hàu nuôi trên bãi tự nhiên hoặc nuôi cọc tôn xi măng.


Ông Nguyễn Hết ở thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), cho biết: “Tôi học hỏi mô hình nuôi hàu từ một số hộ ở đầm Thị Nại (Bình Định) và bắt đầu nuôi từ năm 2000 đến nay. Nguồn giống mua từ người dân địa phương đánh bắt, nhưng số lượng không nhiều, mua bao nhiêu thả nuôi bấy nhiêu nên tháng nào cũng có hàu thu hoạch. Mặc dù thu nhập không cao nhưng nuôi hàu cho thu nhập ổn định. Hiện gia đình tôi nuôi 1,5ha hàu, tương đương 7 tấn giống”. Ông Hết cho biết thêm, mô hình nuôi hàu mà ông đang áp dụng là dùng lưới bao quanh khu vực nuôi và thả nuôi theo hai phương pháp: Ban đầu dùng tôn xi măng làm cọc để hàu giống trong tự nhiên bám vào, nếu hàu bám nhiều thì san ra cho thưa nhằm đảm bảo tốc độ sinh trưởng của con hàu. Sau khi san số lượng hàu giống từ những cọc tôn xi măng, ông Hết thả nuôi kết hợp với hàu giống mua được từ người dân địa phương theo mô hình nuôi đáy trên bãi tự nhiên. Hiện ông Hết mua hàu giống tại địa phương giá 3.000 đến 4.000 đồng/kg loại 60 con. Giá hàu thịt bán ra 25.000 đồng/kg loại bảy con, 20.000 đồng/kg loại 10 con, 15.000 đồng/kg loại 13 con.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) cho biết: Qua theo dõi và so sánh các đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn, nuôi hàu là một nghề có vốn đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít tốn công chăm sóc, rủi ro thấp, lợi nhuận cao nên rất phù hợp với người dân sống ở vùng nông thôn. Hiện xã Xuân Lộc có nhiều hộ nuôi tôm bị lỗ vốn chuyển sang nuôi hàu. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nguồn giống và kỹ thuật nuôi, vì lâu nay bà con chỉ nuôi theo kinh nghiệm.

Vì con hàu là đối tượng nuôi chưa phát triển mạnh ở vùng biển Phú Yên, ngoại trừ ở huyện Tuy An đang triển khai mô hình nuôi thử nghiệm hàu thương phẩm trên đầm Ô Loan thuộc dự án Đa dạng hóa vật nuôi tại khu vực đầm Ô Loan với kinh phí 33 triệu đồng, giao cho hộ ông Phan Minh Lợi ở xã An Cư thực hiện trên diện tích 1.000m2, trong đó huyện Tuy An hỗ trợ 10 triệu đồng để ông Lợi mua hàu giống. Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt thời gian thực hiện mô hình 10 tháng. Ông Phan Minh Lợi cho biết: “Vì diện tích ao đìa nuôi của gia đình rộng nên tôi quyết định nuôi hàu kết hợp với tôm sú. Thực tế cho thấy mô hình này góp phần làm sạch môi trường ao nuôi. Hiện hàu đã ba tháng tuổi, đang phát triển tốt”.

Ông Trần Sáu, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Tuy An, cho biết: “Vụ nuôi tôm vừa rồi, huyện Tuy An thả nuôi khoảng 300ha nhưng đã có 44ha bị dịch bệnh, muốn chuyển sang nuôi hàu. Nếu mô hình nuôi hàu thương phẩm của ông Phan Minh Lợi thành công sẽ triển khai trên diện rộng”.  


Nuôi hàu trên sông

Nhiều hộ dân ở Bạc Liêu đã kết bè nuôi hàu trên các tuyến sông rạch lưu thông ra cửa biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Bất ngờ từ mô hình thử nghiệm


Ông Nguyễn Văn Siếu (ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, H.Hòa Bình) được xem là người nuôi hàu thành công nhất của tỉnh Bạc Liêu, với thu nhập bình quân gần 1 tỉ đồng/năm.


Ông Siếu cho biết hàu là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Trước đây, người dân chỉ khai thác hàu thiên nhiên sống theo các cống, đập, khối đá ven biển... nên sản lượng rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng, giá bán đắt đỏ. Thấy vậy, ông Siếu bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hàu của người dân vùng ven biển. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, năm 2000 ông gom góp tiền đầu tư nuôi hàu thử nghiệm ngay trên con sông trước nhà.


Giai đoạn đầu ông Siếu thả nuôi 20 bè hàu, kết quả thu hoạch vượt ngoài mong đợi. Hàu đạt trọng lượng từ 3 - 5 con/kg, bình quân mỗi bè cho sản lượng 1 tấn. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg. “Thừa thắng xông lên”, ông Siếu tiếp tục đầu tư, mở rộng dần quy mô khu nuôi, đến nay gia đình ông có đến 170 bè nuôi hàu, với chi phí ban đầu hơn 1 tỉ đồng.


Xây dựng thương hiệu “Hàu Bạc Liêu”


Để gặt hái được thành công từ mô hình sản xuất mới mẻ này, ông Siếu đã bỏ biết bao công sức, tiền bạc tự tìm tòi, học hỏi phương pháp nuôi hàu qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời đi thực tế ở nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL, thậm chí ra tận các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ông chia sẻ: “Hàu rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Chúng sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo có sẵn trong nước biển nên không phải tốn chi phí thức ăn. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triều lên xuống ở đây rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh. Hàu sống phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, không cần sử dụng các loại hóa chất, do đó đảm bảo nguồn sản phẩm sạch cho thị trường”.


Khi hiệu quả nuôi hàu trên sông ngày càng nâng cao, ông Siếu bắt đầu tính đến chuyện  tìm đầu ra cho sản phẩm, nhằm giúp người nuôi an tâm sản xuất. Đầu tiên ông tiếp cận thị trường trong tỉnh thông qua các chợ đầu mối, sau đó mở rộng ra các địa phương khác.


Hiện nay, ngoài lượng hàu bán cho thương lái trong tỉnh, trung bình mỗi ngày ông Siếu còn xuất bán từ 0,5 -  1 tấn hàu cho thương lái các tỉnh Sóc Trăng, Bình Thuận, TP.HCM... “Tôi đang xúc tiến xây dựng trại sản xuất hàu giống đủ sức cung ứng nguồn giống tốt cho bà con nuôi hàu trong tỉnh; đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu độc quyền cho hàu Bạc Liêu để tạo sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Siếu nói.


Mô hình nuôi hàu trên sông thành công ở Bạc Liêu đã mở ra triển vọng làm giàu cho người dân sinh sống ven các cửa sông,  rạch lưu thông ra biển.


Nuôi Hàu Trên Đầm Nha Phu

Vấn đề môi trường và việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản được tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm. Nhằm giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III Nha Trang đã đưa con hàu Thái Bình Dương vào nuôi theo mô hình thử nghiệm tại khu vực đầm Nha Phu – mở ra một hướng nuôi mới, đó là sử dụng loài ăn lọc để vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa mang lại lợi nhuận cho người nuôi.

Tiếp sau thành công của mô hình đầu vừa kết thúc vào tháng 11 năm 2012 tại đầm Nha Phu - vào tháng 5/2013, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 Nha Trang tiếp tục phối hợp với 4 hộ nuôi trồng thủy sản trên đầm tổ chức thả nuôi thêm 1 triệu con hàu Thái Bình Dương theo hình thức bám dây. Hộ nuôi chỉ phải đóng giàn bè, rổ, dây để thả nuôi, còn con giống được hỗ trợ 100%.
Ông Mai Xuân Phú, một trong 4 hộ được chọn thử nghiệm nuôi hầu Thái Bình Dương đợt hai trên đầm Nha Phu cho biết, qua ba tháng thả nuôi, hầu phát triển rất nhanh. Dự kiến trong hơn một tháng nữa, bè hàu của ông sẽ cho thu hoạch. Ông Phú rất phấn khởi và dự kiến sẽ tiếp tục thả nuôi vào kỳ sau. Hiện ông nuôi 3000 dây, cứ 1000 dây đạt 1 tấn hàu, 3000 dây 3 tấn hàu. Như vậy là ông thu được 75 triệu.

Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản, là đối tượng có đặc tính lọc nước, góp phần cải tạo môi trường, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Sau khi triển khai dự án "Nuôi các đối tượng hai mảnh vỏ và nhuyễn thể", Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã đưa hàu về nuôi thử nghiệm tại đầm Nha Phu. Mặc dù thời gian qua, phong trào nuôi hàu trên đầm Nha Phu cũng đã bước đầu phát triển, nhưng với mục đích đưa đối tượng này vào nuôi đại trà, nên Viện tiếp tục triển khai thêm mô hình thử nghiệm, nhằm khẳng định tính ưu việt của hàu Thái Bình Dương.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III Nha Trang cho biết dự án đã triển khai trên đầm Nha Phu được 3 năm. Ban đầu chỉ có một hai hộ nuôi, đến nay đã có 70 đến 80 hộ nuôi hàu. Thời gian tới nhiều hộ tham gia tập huấn mong muốn sẽ phát triển nghề nuôi, không chỉ trên đầm mà rộng khắp tỉnh Khánh Hòa.

Với giá hiện tại từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg, việc nuôi hàu thực sự mang lại nguồn thu nhập tương đối lớn cho người nuôi trồng, trong khi chi phí không nhiều, không tốn công chăm sóc và thức ăn.  Đặc biệt, giống hàu Thái Bình Dương có thời gian sinh trưởng ngắn bằng một nửa so với hàu nội địa. Vì thế, Chi Cục Nuôi trồng Thủy sản Khánh Hòa đang có hướng phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III phát triển rộng nghề nuôi hàu trên khắp các vùng bãi triều, đầm phá trong  toàn tỉnh.

Nguồn: Internet